Thỉnh thoảng, trong các chương trình thời sự VTV chúng ta thường được nghe các thông tin như: “Tỉnh X là địa phương đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” hay “Thành phố Y hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, … Chắc hẳn khá nhiều người trong chúng ta còn mơ hồ với khái niệm “Nông thôn mới” khi nghe những tin tức này. Vậy Xây dựng nông thôn mới là gì? Tiêu chí nào để xây dựng được nông thôn mới? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để có thêm kiến thức về vấn đề này nhé.
Xây dựng nông thôn mới là gì?
Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia trải dài qua từng giai đoạn với các tiêu chí và nhiệm vụ cụ thể. Đây là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh quốc phòng và cơ sở vật chất tại địa phương.
Trong chương trình này, cấp ủy, chính quyền xã, chi ủy, trưởng thôn là người trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Quá trình này phải bám sát mục tiêu quốc gia đó là: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn từng bước hiện đại, đẩy mạnh nông nghiệp kết hợp phát triển công nghiệp với những tổ chức sản xuất hợp lý. Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, phát triển nông thôn gắn liền với đô thị theo quy hoạch.
Tất cả điều đó nhằm mục đích liên tục nâng cao đời sống nông dân, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại. Bởi vậy, nông dân và cộng đồng dân cư nắm vai trò chủ chốt trong chương trình này. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí cụ thể, hỗ trợ kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện.
19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí được chia thành 4 nhóm như sau:
Nhóm Quy hoạch:
Bao gồm 1 tiêu chí đó là Quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Trong tiêu chí này, các tỉnh cần hoàn thành việc quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường theo tiêu chuẩn mới. Bên cạnh đó, cần quy hoạch đất và hạ tầng thiết yếu để phát triển sản xuất công – nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng cần quy hoạch phát triển các khu dân cư văn minh, hiện đại và bảo vệ bản sắc dân tộc vùng miền.
Nhóm hạ tầng – kinh tế xã hội.
Trong nhóm hạ tầng – kinh tế xã hội, có 8 tiêu chí cụ thể bao gồm: Giao thông, Thủy lợi, Điện và Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Chợ nông thôn, Bưu điện và Nhà ở dân cư.
Trong nhóm này có một số nội dung bắt buộc phải hoàn thành tỷ lệ 100% điển hình như: Tỷ lệ đường trục xã, liên trục xã phải được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo đúng tiêu chuẩn. Tỷ lệ đường ngõ xóm sạch sẽ và cứng hóa (không lầy lội vào mùa mưa). Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần có hệ thống kênh mương kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện cần được cung cấp đủ và đảm bảo an toàn ngành điện. Trường học cần được xây dựng kiên cố, có đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia.
Nhóm tiêu chí này cũng nhấn mạnh về các yêu cầu cụ thể của bưu chính viễn thông và nhà ở nông dân. Xóa bỏ nhà tranh tre dột nát, mang internet đến với nông thôn, cải thiện khả năng tiếp cận thông tin từ các nguồn internet.
Nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất.
Nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất bao gồm 4 tiêu chí cụ thể đó là: Thu nhập, Hộ nghèo, Cơ cấu lao động và Hình thức tổ chức sản xuất.
Trong nhóm tiêu chí này, các tỉnh cần đẩy mạnh các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để giải quyết vấn đề về việc làm. Đảm bảo tăng mức thu nhập của nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống mức thấp nhất.
Nhóm văn hóa – xã hội và môi trường.
Nhóm văn hóa – xã hội – môi trường gồm có 6 tiêu chí đó là: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật, Quốc phòng và an ninh.
Các tiêu chí ở nhóm này tập trung vào việc phổ cập giáo dục các cấp và đào tạo nghề cho con em nông thôn, tập trung phát triển hệ thống y tế xã, mang bảo hiểm y tế tiếp cận được với các hộ gia đình. Bên cạnh đó, trong nhóm tiêu chí này, các tỉnh cần triển khai đưa nước sạch về thôn xã, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về môi trường, vệ sinh theo đúng quy định.
2 tiêu chí là Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Quốc phòng và an ninh có vai trò rất quan trọng trong nhóm văn hóa – xã hội – môi trường. Ở tiêu chí này, các tỉnh cần tập trung vào việc bồi dưỡng chính trị, pháp luật cho các thành viên cốt cán của thôn xã. Xây dựng tổ chức hệ thống chính trị theo quy định, đảm bảo tiêu chuẩn “trong sạch vững mạnh”, quốc phòng an ninh được củng cố và phát triển mạnh mẽ.
Định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vẫn tiếp tục thực hiện dựa trên cơ sở bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở trên. Ban chỉ đạo Trung ương sẽ tiếp tục có những bổ sung và điều chỉnh hợp lý để phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền. Chúng ta hãy cùng hy vọng về một đất nước Việt Nam hiện đại và phát triển đồng đều, để người dân có cuộc sống hạnh phúc, ổn định lâu dài cho dù là ở nông thôn hay là thành thị.